Thành phố Quảng Châu của Trung Quốc vẫn luôn được mệnh danh là thủ phủ thời trang của cả khu vực. Tại đây, bạn sẽ dễ dàng tìm được vô vàn trung tâm mua sắm với đủ loại mặt hàng và giá cả. Một trong những địa chỉ nhập hàng thời trang hàng đầu của giới tiểu thương Việt Nam chính là chợ 13. Vậy khu chợ 13 ở Quảng Châu này có gì đặc sắc? Ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
1. Tổng quan về chợ 13 Quảng Châu
Chợ 13 ở Quảng Châu được phiên âm theo tiếng Trung là Shi Shang Hang. Khu chợ này thực chất là một tòa nhà có 13 tầng, tọa lạc trên góc đường Shi Shan Hang giao với đại lộ Renmin Nan, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.
Chợ 13 Quảng Châu thường được giới tiểu thương lẫn người dân địa phương gọi là chợ Sáng vì chợ mở và đóng cửa từ rất sớm. Chợ là một tòa nhà 13 tầng có diện tích rộng xấp xỉ 6000 m2. Cả 13 tầng này đều được sử dụng với mục đích kinh doanh quần áo, thời trang. Nếu tính tổng cộng cả 13 tầng thì diện tích của chợ lên đến 80.000 m2, rộng gần gấp 12 lần chợ Đồng Xuân của Việt Nam.
Một khi đã bước chân vào chợ 13 thì chắc hẳn rằng ai cũng sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh tượng mua bán tấp nập, hàng trăm sạp hàng với rất nhiều áo quần, sản phẩm thời trang khác nhau. Những gian hàng của chợ có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng 9 tới 10m2 nhưng luôn đầy ắp sản phẩm mới, từ những mẫu treo trên tường cho tới hàng xếp dưới đất. Bên cạnh gian hàng là những cô người mẫu ăn mặc thời trang, luôn miệng mời chào khách. Không khí mua bán, mặc cả vô cùng sôi nổi tạo cho chợ một ấn tượng khó quên đối với những ai có dịp ghé qua.
Các sản phẩm bán ở chợ được phân loại theo từng tầng. Theo đó thì ba tầng đầu tiên là nơi chuyên bán các sản phẩm kiểu teen, hàng gia công, hàng không nhãn mác… Những sản phẩm này có chất lượng trung bình cho tới thấp nhưng bù lại thì mẫu mã rất phong phú, giá thành lại rẻ nên khá được giới tiểu thương đến từ Việt Nam ưa chuộng. Từ tầng 4 của chợ trở lên, các gian hàng được bày biện công phu hơn.
Hầu hết các sản phẩm bày bán ở các tầng này đều có thương hiệu. Phong cách của chúng trưởng thành hơn, nghiêng về kiểu công sở già dặn. Giá thành cũng đắt hơn các sản phẩm ở tầng dưới. Ngoài quần áo thì chợ 13 còn có nhiều gian bán phụ kiện, móc quần áo, ma nơ canh, vv… Khách mua hàng có thể trả giá nhưng thường thì không được giảm nhiều.
Chợ 13 Quảng Châu Trung Quốc không bán lẻ sản phẩm mà bán sỉ với nhiều mức độ khác nhau. Khách mua hàng ở đây được chia thành 2 loại. Loại đầu được gọi là Nả Hua (khách mua luôn). Loại này sẽ được mua ít nhất là vài ba sản phẩm mỗi loại với giá đắt hơn một chút. Loại thứ hai là Tả Bao (khách đóng bao). Khách loại này thường mua mỗi loại vài chục cho tới vài trăm sản phẩm. Giá cả cho khách Tả Bao sẽ rẻ hơn khách mua ít.
2. Một số kinh nghiệm đi chợ 13 Quảng Châu
Chợ mở cửa từ rất sớm, khoảng 7h sáng và đóng cửa vào 1h chiều. Nếu bạn muốn tránh cảnh chen chúc thì nên đến sớm. Nên dạo quanh các tầng dưới trước rồi mới đi dần lên trên.
Nên đi theo đường zích zắc để tránh bỏ sót gian hàng. Hàng ở đây rất đa dạng và hiếm khi bị trùng lặp. Nếu đi kỹ thì bạn sẽ có thể chọn được nhiều mẫu hàng đẹp hơn.
Khi đi chợ thì bạn nên mặc trang phục rộng rãi thoải mái. Bạn cũng nên mang theo một cây bút để có thể viết giá trực tiếp lên bọc hàng. Càng ghi chép kỹ càng thì bạn sẽ không phải cực nhọc dò hóa đơn sau khi đưa hàng về nhà.
Khi mua hàng thì ta không nên lấy hàng luôn. Chỉ nên cầm lấy những tờ hóa đơn rồi sau khi mua sắm xong, bạn chỉ việc ra ngoài rồi thuê những người bốc vác đi thu hàng cho mình. Khi hàng được đưa ra thì ta nên kiểm tra luôn để tránh bị tráo hàng, gây rắc rối về sau.
Bắt taxi ở khu vực chợ trong lúc cao điểm khá khó khăn. Bạn có thể nhờ những người bốc vác thuê giùm xe chín chỗ để chở hàng về thì sẽ tiện hơn dù giá sẽ đắt hơn gấp 3 lần.
Vừa rồi là một số thông tin tổng quan cũng như những kinh nghiệm mua hàng ở Chợ 13 Quảng Châu. Hy vọng rằng bài viết của adathang.vn sẽ phần nào giúp ích cho những ai đang có ý định chọn nơi này làm đầu mối kinh doanh.
Xem thêm :
- Chợ Bạch Mã - Thiên đường mua sắm cho người kinh doanh
- 5 bí kíp săn hàng Quảng Châu ít người biết tới
- Tìm hiểu dịch vụ gửi hàng từ Trung Quốc về Việt Nam